Cát Hải là một huyện đảo của thành phố Hải Phòng, nằm ở phía Đông Bắc của thành phố, phía Bắc giáp huyện Yên Hưng (Quảng Ninh), phía Tây giáp đảo Đình Vũ, phía Đông và Nam là vịnh Bắc Bộ. Tổng diện tích của huyện đảo là 345 Km2 (kể cả rừng ngập mặn). Cát Hải bao gồm 366 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong hệ thống quần đảo nam vịnh Hạ Long, trong đó, đảo Cát Hải và đảo Cát Bà là lớn hơn cả. Huyện đảo Cát Hải gồm 02 thị trấn và 10 xã; dân số 3 vạn người.
Bản đồ hành chính huyện đảo Cát Hải
Do địa thế tự nhiên, Cát Hải có vị trí rất quan trọng về an ninh quốc phòng; đồng thời cũng là nơi có tiềm năng kinh tế to lớn, đây là nơi duy nhất của vùng duyên hải Bắc Bộ vừa là nơi trú ngụ, điểm tựa hậu cần cho nghề cá. Cát Hải (Cát Bà) còn là một bộ phận quan trọng của quần thể du lịch Hạ Long với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn.
Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, song cuộc sống của người dân trên đảo trước cách mạng rất đói khổ trước sự bóc lột của thực dân phong kiến. Đói nghèo, dịch bệnh, sự kìm kẹp, bóc lột của Pháp - Nhật và chính quyền tay sai ngày một đè nặng lên đầu, lên cổ người dân huyện đảo. Nhân dân ngày càng thấy rõ bộ mặt thật của kẻ bảo hộ và chính quyền tay sai, cả đảo đang chờ đón tiếng kèn xung trận.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và phong trào cách mạng dấy lên khắp nơi trong cả nước; đặc biệt những cuộc đấu tranh của tầng lớp thợ thuyền Hải Phòng và công nhân mỏ than Quảng Ninh như một luồng ánh sáng mới chiếu rọi tới huyện đảo. Theo chỉ thị của Trung ương, Thành uỷ Hải Phòng và Tỉnh uỷ Quảng Yên, một số cán bộ Đảng đã được cử về Cát Hải để tuyên truyền vận động cách mạng và tổ chức quần chúng, gấp rút chuẩn bị để khi thời cơ đến sẽ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.
Khi Nhật đầu hàng Đồng minh và Lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng ban bố, các tỉnh thành trong cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã đứng lên giành chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Trên cả hai tổng Hà Sen và Đôn Lương cán bộ Việt Minh cũng đã tiếp cận và vận động các cơ sở cách mạng và nhân dân chuẩn bị mọi mặt để khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 28 tháng 9 năm 1945, chính quyền tay sai phản động dưới sự bảo trợ của quân xâm lược trên toàn huyện đã sụp đổ hoàn toàn. Từ đây, chính quyền cách mạng đã thuộc về nhân dân sau bao nhiêu năm gian khổ bị áp bức bóc lột. Ngày 12 tháng 9 năm 1945, Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đọc tại nhiều cuộc mít tinh của hầu hết các xã trên cả huyện đảo. Khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng đã được hô vang từ lồng ngực và trái tim của hàng vạn người dân huyện đảo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân huyện đảo tiếp tục cuộc đấu tranh để bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng, tiến hành kháng chiến để đánh đuổi bọn đế quốc, thực dân xâm lược.
Sau khi giành được chính quyền cũng như cả nước, nhân dân huyện đảo bước vào xây dựng chế độ mới với muôn vàn khó khăn gian khổ. Nạn đói cuối năm 1944, đầu năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của gần 800 người dân trên đảo, nhiều gia đình tan tác, nhiều làng xóm tiêu điều. Đất đai canh tác ít, lại không trực tiếp sản xuất được lương thực (lúa gạo) nên đời sống của người dân huyện đảo khó khăn đến cùng cực. Mặc dù vậy, bà con nhân dân vẫn một lòng vững tin vào chính quyền cách mạng; tích cực hưởng ứng những chủ trương đường lối lãnh đạo của Đảng và chính quyền đề ra...
Vinh dự thay một mốc son lịch sử, ngày 31 tháng 3 năm 1959, nhân dân huyện đảo đã được đón Bác Hồ về thăm. Lời dặn của Người “Rừng vàng, biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” đã trở thành phương châm và hành động của đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo.
Hồ Chủ Tịch về thăm và nói chuyện với nhân dân huyện đảo
Kế tục và phát huy truyền thống giữ đất giữ làng của cha ông đi trước, Đảng bộ Huyện đã sáng suốt lãnh đạo nhân dân đoàn kết, vượt gian khổ, tham gia tích cực vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Gần 2000 Huân huy chương các loại, 10 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 01 Anh hùng lực lượng vũ trang và nhiều danh hiệu cao quý khác đã góp phần làm sáng thêm truyền thống “Hà Sen anh dũng, Đôn Lương kiên cường”.
Từ trong đống hoang tàn đổ nát của chiến tranh, nhân dân huyện đảo đã bắt tay vào xây dựng cuộc đời mới. Thực hiện Nghị quyết số 13 của Đảng bộ Cát Hải - Cát Bà, quân và dân huyện đảo cùng với nhân dân cả nước ra sức thực hiện nhiêm vụ “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
Trong tình hình cách mạng mới, để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đất nước, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân; đồng thời cũng tạo điều kiện cho kinh tế hai huyện phát triển đồng đều và hỗ trợ nhau lâu dài, ngày 11 tháng 3 năm 1977, Chính phủ đã ra quyết định sát nhập hai huyện Cát Bà, Cát Hải thành huyện Cát Hải thuộc thành phố Hải Phòng. Trung tâm huyện đặt tại thị trấn Cát Bà; đánh dấu một giai đoạn lịch sử phát triển mới của huyện đảo - giai đoạn thi đua lao động sản xuất, thực hiện sự đoàn kết nhất trí, phát huy sức mạnh của huyện hợp nhất để xây dựng huyện đảo; góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh. Dưới ánh sáng các Nghị quyết Trung ương Đảng và Nghị quyết của Đảng bộ huyện, Cát Hải cũng đang từng ngày thay da đổi thịt cùng với sự phát triển chung của Thành phố và đất nước. Với những thành tích đã đạt được trong hai cuộc kháng chiến, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 13 tháng 12 năm 1998, huyện đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước trao tặng. Đó là niềm tự hào của người dân huyện đảo.
Cùng với tuyến đường xuyên đảo phục vụ sản xuất, nhu cầu tham quan du lịch và phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc phòng (khởi công năm 1979); điện lưới quốc gia 35 KW (năm 1998); Cầu Tân Vũ-Lạch Huyện;... đã làm thay đổi diện mạo của vùng đất trước đây vốn nghèo nàn lạc hậu. Một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vùng duyên hải bắc Bộ được mở ra. Khu du lịch sinh thái: rừng - biển - đảo hấp dẫn đang sẵn sàng chào đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Hàng trăm khách sạn nhà hàng được xây dựng và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đến với Cát Bà, du khách có thể đi thăm Vườn Quốc gia Cát Bà, một khu rừng cổ nguyên sinh, nơi có nhiều loài động - thực vật quí hiếm (loài Voọc đầu trắng, được ghi vào sách đỏ của thế giới, chỉ có ở đảo Cát Bà); những danh lam thắng cảnh và các hang động thiên nhiên kỳ thú: đảo Khỉ, ao Ếch, động Trung Trang, động Thiên Long, hang Quân Y và đặc biệt thích thú khi được khoả mình đùa rỡn cùng làn nước biển trong xanh của khu quần thể bãi tắm Cát Tiên, vịnh Lan Hạ hoặc dạo chơi trên khu cảng cá Tùng Vụng hay lên bè để thưởng thức một vài món ăn đặc sản biển như tu hài, sò huyết, lẩu cá, tôm hùm....Hàng năm Lễ hội 1- 4 của huyện được tổ chức hết sức trang trọng với những nội dung và hình thức phong phú: Hội trại Tuổi trẻ của Đoàn viên thanh niên; hội đua thuyền Rồng tranh cúp báo Hải Phòng; Lễ khai trương du lịch mùa hè; Lễ Cầu ngư và ra quân vụ cá nam; Hội chợ - Hội thảo khoa học; hội thi người đẹp du lịch - thể thao... như muốn giới thiệu với du khách và bạn bè gần xa hãy đến với Cát Hải, Cát Bà - đảo Ngọc - tình người.
Quần đảo Cát Bà không chỉ là vịnh Hạ Long thu nhỏ - một trong những trung tâm du lịch có tầm cỡ quốc tế của Hải Phòng, mà nơi đây còn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2005) mở ra một triển vọng mới cho tương lai phát triển của huyện nhà. Theo tinh thần Nghị quyết số 32-NQTU của Trung ương Đảng, ngày 27/01/2004, Ban Thường vụ Thành ủy đã ra Nghị quyết số 16-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Cát Hải đến năm 2020 là “Xây dựng đảo Cát Bà trở thành một trung tâm du lịch sinh thái của cả nước và quốc tế; trọng điểm phát triển kinh tế biển; trung tâm thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá của thành phố và vùng duyên hải Bắc bộ; đảo Cát Hải trở thành đô thị mới văn minh, hiện đại và khu dịch vụ cảng biển quan trọng của thành phố và khu vực các tỉnh phía Bắc (khi hệ thống cảng biển Hải Phòng - Đình Vũ - Lạch huyện hoàn thành); có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đời sống nhân dân ngày một nâng cao”. Quán triệt những định hướng lớn của Trung ương và Thành ủy về xây dựng thành phố và huyện đảo; Đảng bộ Cát Hải đã lãnh đạo quân và dân toàn huyện tập trung khai thác và phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển kinh tế - văn hóa xã hội - quốc phòng và an ninh của huyện. Cát Hải đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm du lịch, một trọng điểm phát triển kinh tế biển, một pháo đài tiền tiêu vững chắc về quốc phòng - an ninh…trong quá trình triển khai Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Huyện đảo Cát Hải cũng như biết bao miền quê trên đất nước ta, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi trang đều thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt. Trải qua bao thăng trầm, phát triển, vượt lên tất cả thời gian, thiên tai và giặc dã, hàng ngàn đời nối tiếp nhau, người dân trên đảo đã tự mình dựng xây, gìn giữ cho hôm nay và con cháu mai sau những giá trị vật chất và tinh thần vô cùng to lớn. Tự hào với truyền thống lịch sử của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân huyện Cát Hải càng vững tin ở tương lai ra sức phấn đấu xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp, văn minh xứng với tầm vóc của một thành phố Cảng - đô thị loại I cấp quốc gia. Cùng với sự phát triển nhanh, mạnh của thành phố trong thời kỳ mở cửa và hội nhập; cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân huyện đảo đang thay đổi từng ngày. Trường học, bệnh viện được xây dựng khang trang, hiện đại phần nào đáp ứng được nhu cầu học tập và chữa bệnh của người dân. Trong 40 năm qua (1977-2022) Ngành Giáo dục và Đào tạo Cát Hải cũng đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong sự phát triển chung của huyện đảo, thành phố và đất nước.